Linh Sơn Thánh Mẫu là ai? Hình tượng và cách thờ cúng

Tứ Đại Thiên Vương hộ trì Phật giáo là ai?

Kinh Pháp Cú là gì? Ý nghĩa và lợi ích trì tụng Kinh Pháp Cú

Tượng 3 Vị Tam Thanh Đạo Tổ: Ý nghĩa và cách thờ cúng

Phật Bất Động Minh Vương là ai? Ý nghĩa hình tượng và thờ cúng

Ý nghĩa 2 tượng Hộ Pháp Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Thiên Tôn

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Ý nghĩa hình tượng và thờ cúng

Kinh luân xoay là gì? Ý nghĩa và cách sử dụng

Bát Bảo Cát Tường là gì? Có ý nghĩa gì trong Phật giáo?

Thất Bảo Luân Vương là gì?

Linh Sơn Thánh Mẫu là ai? Hình tượng và cách thờ cúng

Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) là vị thần nữ của núi Bà Đen, nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, được mệnh danh là đệ nhất thiên sơn tại vùng đất này. Linh Sơn Thánh Mẫu không chỉ hiện diện trong văn hóa tín ngưỡng dân gian mà còn xuất hiện trong Phật giáo Tây Ninh với danh xưng là Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát, được thờ trong nhiều chùa, đóng vai trò là một vị hộ trì Tam Bảo. 

Linh Sơn Thánh Mẫu là ai?

Linh Sơn Thánh Mẫu (靈山聖母) được dân gian gọi với cái tên quen thuộc, thân thương là Bà Đen. Ngài là vị nữ thần vô cùng linh hiển, luôn phù hộ độ trì cho người dân nơi đây. Trong tâm thức người dân Nam Bộ, Linh Sơn Thánh Mẫu chính là vị thần bảo hộ, là nữ thần chủ của ngọn núi Bà Đen linh thiêng, có thể giúp người sở cầu được toại nguyện “cầu được ước thấy”. Ngài cũng là biểu tượng của đời sống văn hóa tín ngưỡng, là chỗ dựa tâm linh vững chắc của người dân vùng đất này.

Linh Sơn Thánh Mẫu có tên gọi quen thuộc là Bà Đen được thờ ở núi Bà Đen Tây Ninh
Linh Sơn Thánh Mẫu có tên gọi quen thuộc là Bà Đen được thờ ở núi Bà Đen Tây Ninh

Có rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc của của tín người thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Trong văn hóa Hindu, tín ngưỡng thờ Bà Đen cũng tương tự với tín ngưỡng thờ Mariamman, Kali (Ấn Độ, Indonesia), Niềng Khmau (Campuchia) và Muk Juk, Uma (Chăm)… Tại Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện, huyền tích giúp lý giải cho thắc mắc “Linh Sơn Thánh Mẫu là ai” và những  lần linh hiển của bà.

Có 3 thuyết nói về Bà Đen được lưu truyền rộng rãi trong dân gian hiện nay:

  • Bà Đen tên là Rê Đeng: Thuyết này kể rằng, trước đây, chủ của vùng núi này là một người phụ nữ Phù Nam, có tên gọi là Rê Đeng. Sau này, người đời đọc trại thành Bà Đen và tên gọi này được lưu truyền cho đến ngày nay.
  • Bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương: Một thuyết khác, phổ biến hơn kể rằng, tên thật của bà Đen là Lý Thị Thiên Hương, con của một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng, tên là Lý Thiên (thuộc triều Nguyễn) và mẹ là bà Đặng Ngọc Phụng, người gốc Bình Định.
  • Bà đen tên là Thạch Nương: Một thuyết khác thì kể rằng, bà Đen tên thật là Thạch Nương, thường gọi là Đênh, con của một viên quan trấn thủ vùng chân núi. Nàng Đênh là người mộ Đạo, đã xin theo nhà sư học đạo ở một ngôi chùa trên núi Một. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi 2 gia đình chuẩn bị lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích, mọi người đồn đoán rằng nàng bị cọp vồ và mai táng lập mộ cho nàng dưới chân núi.

Dù xuất thân của Linh Sơn Thánh Mẫu có là ai đi chăng nữa thì tín ngưỡng thờ cúng bà đến nay vẫn được kế tục và duy trì. Bà Đen nổi tiếng với sự linh hiển, thường hiển linh cứu nhân độ thế, giúp thành toại mong cầu cho những người thành tâm lễ vái, cúng bái tượng bà.

Không chỉ hiện diện trong tín ngưỡng văn hóa dân gian mà Linh Sơn Thánh Mẫu còn được phối thờ trong các ngôi chùa Phật giáo ở Tây Ninh. Bà là một vị hộ trì Tam Bảo, bàn thờ Bà được đặt phía sau bàn thờ Phật, đối diện với bàn thờ tổ. Tượng Bà được thờ trong rất nhiều ngôi chùa, có khi được thờ trong miếu riêng trong khuôn viên chùa, có khi thờ nơi chái bên Tây chánh điện.

Hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu

Tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ ở nhiều nơi với hình tướng phong phú, đa dạng, chất liệu tượng ở mỗi nơi cũng không đồng nhất. Theo báo điện tử Tây Ninh, tượng Linh Sơn Thánh Mẫu tại chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng) và chùa Cổ Lâm (huyện Châu Thành) được làm bằng gốm, tượng do các nghệ nhân lò gốm Cây Mai tạo tác, thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa khoảng đầu thế kỷ XX.

Tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được đặt ở vị trí cao nhất trên bàn thờ tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự
Tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được đặt ở vị trí cao nhất trên bàn thờ tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự

Bộ tượng Bà Đen tại chùa Hội Phước (thị xã Trảng Bàng) và chùa Thiên Phước (TP. Tây Ninh) được làm từ hợp chất. Tượng thể hiện Bà Đen trong tư thế đứng, hai tay bắt ấn, y áo tượng được sơn bằng màu nước.

Bộ tượng Bà tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu) được tác bằng gỗ. Tượng thể hiện bà trong tư thế ngồi trên ngai, thân mặc áo bào, đầu đội mũ mão, chân đi hai, tay cầm hốt, y áo tượng được sơn màu cổ điển. Ngoài ra, có rất nhiều tượng được tạc với hình dáng tương tự, tạo tác từ các chất liệu khác như hồ ô dước, xi măng, vàng, ngọc, đá quý, đồng… được thờ tại các ngôi chùa.

Riêng tại chùa Quan Âm (động Ba Cô, núi Bà Đen), tượng Linh Sơn Thánh Mẫu có sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo. Tượng thể hiện Bà trong tư thế ngồi kiết già thiền định trên tòa sen, Bà có da mặt Đen, đầu đội mũ mão. Hai bên là hai người hầu cầm ấn, kiếm hoặc quạt.

Tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại Việt Nam

Tượng Linh Sơn Thánh Mẫu không chỉ được thờ tại núi Bà Đen mà còn được thờ tại rất nhiều ngôi chùa khác nhau. Hầu hết các chùa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều có thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu. Hàng năm, lễ vía Bà được tổ chức vô cùng long trọng, thu hút đông đảo du khách đến dự lễ.

Hệ thống các chùa ở núi Bà Đen có thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu có thể kể đến như: chùa Thiên Phước, Hiệp Long (TP. Tây Ninh), chùa Linh Sơn Phước Lâm (Vĩnh Xuân), chùa Vĩnh An, Hội Phước, Phước Lưu, Tịnh Lý, Phước Thạnh, Phước Bình, Hội Phước Hòa, Giác Nguyên (thị xã Trảng Bàng); chùa Thiền Lâm (thị xã Hòa Thành); chùa Linh Sơn Thanh Lâm, Phước Ân, Cẩm Phong, Thạch Lâm (huyện Gò Dầu); chùa Long Thọ, Bửu Long (huyện Bến Cầu); chùa Cổ Lâm (huyện Châu Thành)…

Như đã đề cập, tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu không chỉ phổ biến trong dân gian mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong Phật giáo Tây Ninh. Từ lâu, các vị tổ sư đồng tôn Linh Sơn Thánh Mẫu là Bồ Tát với danh xưng Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát. Điều này thể hiện qua các văn bản, mộc bản xưa, trên các pháp phái thế độ, quy y tại các ngôi chùa ở Tây Ninh. Nội dung là “Linh Sơn Thánh Mẫu” (靈山聖母) và “Tiên thánh lợi sanh chi bổn mạc xuất ư tư Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát tác đại chứng minh” (先聖利生之本莫出於斯南無靈山聖母菩薩作大證明).

Ngày nay, tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu vẫn được kế tục và phát huy. Được biết, năm 2019, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL). Lễ vía Bà được tổ chức vô cùng long trọng tại các ngôi chùa thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, đặc biệt là chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 (nông lịch) theo nghi thức Phật giáo cổ truyền.

Những lần linh hiển của Linh Sơn Thánh Mẫu

Có rất nhiều thần tích về những lần linh hiển của Linh Sơn Thánh Mẫu. Trong rất nhiều câu chuyện về Bà, thì câu chuyện Bà Đen tên Lý Thị Thiên Hương là được lưu truyền rộng rãi nhất. Như đã đề cập, theo dân gian kể rằng, Bà Đen vốn là con của một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng. Bà vốn xinh đẹp, con nhà gia giáo được rất nhiều người để ý.

Quần thể di tích núi Bà Đen, nơi thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu
Quần thể di tích núi Bà Đen, nơi thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu

Trong làng có chàng trai tên Lê Sỹ Triệt giỏi văn giỏi võ được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng. Có vị quan nọ muốn bắt cóc nàng Thiên Hương về làm thiếp, giữa lúc nguy khốn, nàng được Lê Sỹ Triệt xông ra bảo vệ. Cảm động trước tấm lòng của chàng, nàng đã thuật lại với cha mẹ và được cha mẹ đồng ý gả cho chàng. Thế nhưng, chưa kịp lấy nhau thì chàng trai đi tòng quân. Nàng ở nhà, thường lên núi lễ Phật và thăm dưỡng phụ của chồng. Chẳng may kẻ xấu vây bắt, để giữ lòng trung trinh, nàng nhảy xuống khe núi tử tiết.

Những lần báo mộng linh hiển của nàng cũng bắt nguồn từ đây:

Nàng Đen báo mộng cho sư Trí Tân

Sau khi chết, nàng Thiên Hương hiển thánh, báo mộng cho sư Trí Tân sự tình, nàng nói rằng:

  • Đệ tử là Thiên Hương 18 tuổi, chẳng may bị gia nô của quan huyện Trảng Bàng vây bắt, phải nhảy xuống khe núi quyên sinh tử tiết. Nhờ căn tu kiếp trước nên xác 3 ngày vẫn còn nguyên, kính xin sư phụ xuống triền núi đông nam tìm thi hài đệ tử về mai táng giùm.

Theo lời báo mộng của nàng, sư đã tìm thấy xác nàng và đem về chôn cất đàng hoàng. Theo mô tả, trong mộng, nàng có hình dáng đen đúa nên sư gọi nàng là nàng Đen. Sau này, nàng nhiều lần hiển linh về báo mộng, giúp người dân tránh được địch họa, thú dữ. Sư trụ trì và người dân trong vùng để tỏ lòng tôn kính nên cũng gọi nàng là Bà Đen và lập tượng thờ tự.

Bà Đen hiển linh giúp Nguyễn Ánh

Câu chuyện thứ 2 được lưu truyền rộng rãi về Linh Sơn Thánh Mẫu có liên quan đến cuộc đời vua Gia Long. Được biết, trong một lần bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Ánh đã đặt chân đến vùng đất này.

Khi chúa Nguyễn và quân lính lâm vào tình thế khó khăn, không biết chạy đường nào, không có thức ăn để ăn, khốn khó vô cùng được người dân mách nước hướng về núi Bà Đen mà cầu nguyện.

Chúa Nguyễn Ánh liền làm theo, khi nằm ngủ thì được một người phụ nữ báo mộng, chỉ cho hướng tìm thức ăn và đường trốn thoát. Cuối cùng, ông và quân lính thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Câu chuyện này đến nay vẫn luôn được người dân truyền tụng.

Bà Đen được phong làm Linh Sơn Thánh Mẫu

Chuyện kể rằng khi sự tích núi Bà Đen đến tai Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt. Ông quyết chí tìm hiểu, hứa sẽ dâng sớ để vua phong chức cho Bà Đen nếu cô hiển linh. Một hôm, nàng Thiên Hương nhập vào xác một cô gái để trò chuyện với Ngài.

Cô cho biết: “Hồn của thượng quan sau này sẽ được hóa thần nhờ tài đức, tuy nhiên, phần xác sẽ bị hành hạ không vẹn toàn“. Quốc công cho biết ngài không muốn hỏi tương lai của mình, chỉ muốn nghe căn nguyên nỗi oan khuất của nàng. Cô gái rưng rưng nước mắt kể về cái chết của mình. Do chưa chung sống với chồng nên nàng được cử xuống trần để cứu nhân độ thế.

Vừa dứt lời, cô gái bất tỉnh, mãi sau mới dậy. Như đã hứa, Quốc công thay mặt vua phong nàng làm “Linh Sơn Thánh mẫu” của núi Một, tên núi cũng được đổi thành núi Bà Đen.

Ý nghĩa của việc thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu

Tượng Bà Đen được người dân tạo tạc vì sự linh hiển của Bà, vì nhớ ơn Bà đã nhiều lần cứu giúp người dân. Tương truyền, danh hiệu Linh Sơn Thánh Mẫu là do chính vua Gia Long (Nguyễn Ánh) sắc phong, động thờ bà cũng được phong tặng là Linh Sơn Tiên Thạch Động, tượng bà cũng chính do vua cho người đúc cốt bà thành tượng để thờ phụng.

Tín ngưỡng thờ Bà Đen có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh người dân Nam Bộ
Tín ngưỡng thờ Bà Đen có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh người dân Nam Bộ

Những truyền thuyết về Bà Đen đến nay vẫn là những huyền thoại bí ẩn, có rất nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều đề cao hình tượng người phụ nữ Nam Bộ kiên cường, mạnh mẽ, thủy chung và trung trinh tiết liệt. Việc thờ tượng Bà Đen ngày nay thể hiện những ý nghĩa sau đây:

  • Thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với vị thần nữ đã nhiều lần linh hiển giúp đỡ người dân
  • Bà Đen là điểm tựa tâm linh vững chắc, là điểm tựa tinh thần được người dân gửi gắm khi gặp khó khăn bất trắc trong cuộc sống
  • Bà Đen rất nổi tiếng về sự linh hiển, dân gian tin rằng, chỉ cần thành tâm cầu Bà thì sẽ được bà phù hộ, giúp đỡ. Có thể cầu bình an, may mắn, tài lộc, cầu sức khỏe, hạnh phúc… khi đến núi Bà Đen đều được.

Ngoài ra, Linh Sơn Thánh Mẫu thường được người dân cầu bình an may mắn. Trên các sớ cầu an theo thức thức Phật giáo Tây Ninh thường có câu “Nam Mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát chứng minh tọa họa” hoặc có những câu sớ đề là “Phật Bà chứng minh” (Phật Bà Linh Sơn ý chỉ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát).

Cách thờ cúng Linh Sơn Thánh Mẫu

Linh Sơn Thánh Mẫu không chỉ là vị nữ thần trong văn hóa dân gian mà còn được tôn xưng là Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát, Phật Bà Thánh Mẫu. Trong các ngôi chùa ở Tây Ninh, tượng Bà được thờ trên một bàn thờ riêng, phía sau tượng Phật. Ngoài việc lễ bái tượng Bà tại các ngôi chùa, nhiều gia đình còn trực tiếp thỉnh tượng Bà về thờ tại gia.

Việc thờ cúng Bà tại nhà hết sức đơn giản, cũng giống như cách chúng ta thờ tượng các vị Bồ Tát khác. Trước hết, gia chủ chọn một vị trí yên tĩnh, thanh tịnh, trang nghiêm để đặt bàn thờ. Có thể chọn bàn thờ treo tường hoặc bàn thờ đứng đều được.

Tiếp đó, chọn địa chỉ uy tín, đáng tin cậy, chuyên tượng thờ cúng để thỉnh mẫu tượng thờ phù hợp. Các cơ sở kinh doanh tượng thờ thường có sẵn các vật phẩm cần thiết cho bàn thờ như bộ sứ thờ (bát hương, kỷ nước, bình hoa, đĩa trái cây…), nhang đèn nên gia chủ có thể chọn thỉnh tượng và các vật phẩm thờ ở cùng một cửa hàng cho thuận tiện.

Tượng thờ có thể được khai quang hoặc không khai quang tùy vào quan niệm của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất trong quá trình thờ cúng là phải thành tâm, có tín niệm, có niềm tin thì việc thờ cúng mới linh thiêng. Sau khi nhờ sư thầy khai quang tượng, gia chủ chọn ngày tốt, bày biện lễ vật và thỉnh tượng về nhà để làm lễ an vị tượng. Tượng Linh Sơn Thánh Mẫu sau khi được an vị có thể thờ cúng như bình thường.

Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu

Thông thường, từ Tết cho đến hết tháng Giêng, tại núi Bà Đen, ngày nào cũng có hàng vạn người dân thập phương đến vãn cảnh, cúng tài khấn lộc. Cầu Bà ban phước lành, may mắn, bình an, sức khỏe… giúp thành tựu những điều sở cầu. Đặc biệt, ngày lễ lớn nhất ở núi Bà Đen Tây Ninh chính là Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 6/5 âm lịch hàng năm.

Lễ vía Bà Đen được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm
Lễ vía Bà Đen được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen là nơi tổ chức lễ vía Bà Đen long trọng nhất. Vào khuya ngày 4/5 âm lịch, tại đây sẽ diễn ra lễ tắm Bà và thay áo mão cho tượng Bà. Sau khi tượng Bà được lau khô và thay áo mới, cửa điện sẽ được mở ra để đóng người đến viếng lễ.

Sáng ngày 4/5, lễ vía sẽ chính thức bắt đầu với các nghi thức như:

  • Lễ Hưng tác cung thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh
  • Lễ niệm hương khai chung bản
  • Lễ nghinh Thần chủ nghinh thỉnh đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
  • Lễ cúng Phật cúng ngọ
  • Lễ khoa Tịnh trù thỉnh Giám Trai Sứ Giả Bồ Tát
  • Lễ khoa lược phát cúng trình Thập Điện Minh Vương
  • Lễ Khai kinh đàn

Đến ngày 5/5 âm lịch, lễ vía sẽ tiếp tục diễn ra với các nghi thức như:

  • Lễ bái sám hồng danh
  • Lễ cúng Phật cúng ngọ
  • Lễ khoa Cấp thủy thỉnh Long Vương, Thủy Quan, Hà Bá và các vị thần nước
  • Lễ khoa Trình thập còn gọi là lễ Hiến thập cúng Linh Sơn Thánh Mẫu
  • Nghi thức đăng đàn Chẩn tế cầu âm siêu dương thới.

Ngày 6/5 âm lịch lễ vía Bà gồm các nghi thức như:

  • Lễ bái sám hồng danh
  • Lễ cúng Phật cúng ngọ và kết thúc lễ vía.

Trong các nghi thức cúng lễ đã đề cập trên, nghi thức khoa Trình thập cúng được xem là phần lễ cúng Linh Sơn Thánh Mẫu chính được thực hiện tại điện Bà. Nghi thức này do một vị Sám chủ (Thầy cả văn) và hai vị Đàn cả (thầy cả võ) dẫn lễ tán tụng, trình lễ, dâng lên các thức lễ vật cúng dường.

Vật phẩm trong nghi thức trình thập cúng gồm 10 món lễ vật lần lượt là: hương, hoa, đăng (đèn), trà, quả, thực, thủy, đồ, châu, bảo. Do đó, vào ngày vía Bà Đen, người thờ tượng Bà nên tham dự lễ vía Bà hoặc sắm sửa hương hoa, nhang đèn, trà nước, trái cây, đồ cúng chay dâng lễ cúng bà.

Lễ vía Bà Đen là một trong những ngày lễ quan trọng với người dân Nam Bộ. Người dự lễ thường đến đây để vãng cảnh, cầu Bà ban cho sức khỏe, bình an và tài lộc, cảm nhận sự linh thiêng của núi Bà Đen, tưởng nhớ công đức của Bà.

Một số hình ảnh về lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu:

Lễ vía Bà Đen có sự kết hợp giữa dân gian và Phật giáo
Lễ vía Bà Đen có sự kết hợp giữa dân gian và Phật giáo
Nhiều nghi lễ được thực hiện trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu
Nhiều nghi lễ được thực hiện trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu
Lễ vía Bà Đen được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia
Lễ vía Bà Đen được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia
Có rất nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức
Có rất nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức

Đặc biệt, núi Bà Đen (Tây Ninh) còn là nơi hiếm hoi tại Việt Nam được lưu giữ ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ai có duyên được chiêm bái xá lợi của Đức Phật thì sẽ nhận được công đức vô lượng, là phước báu không cùng. Núi Bà Đen được cung nghinh ngọc xá lợi của Phật Thích Ca vào ngày 2/6/2023 vào đúng dịp lễ Phật Đản. Xá lợi do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014.

Có thể bạn quan tâm:

Cùng chuyên mục

Tứ Đại Thiên Vương là bốn vị hộ trì Phật Pháp, bảo vệ chúng sinh, cai quản Tứ Đại Bộ Châu

Tứ Đại Thiên Vương hộ trì Phật giáo là ai?

Có rất nhiều ngôi chùa có điện thờ Thiên Vương, trong điện thờ gồm có 4 vị vũ tướng, dáng vẻ uy vũ, hùng tráng. Bốn vị này còn gọi...

Cách sống này giúp chúng ta dần hiểu được giá trị chân chính của cuộc sống

Tỉnh thức là gì? Sống tỉnh thức có lợi ích gì?

Tỉnh thức là dùng sự tỉnh táo để tập trung vào một đối tượng duy nhất, còn được gọi là sự thức tỉnh tâm lý. Tỉnh thức chánh niệm là...

Bát Chánh Đạo là con đường chân chính chấm dứt khổ đau

Bát Chánh Đạo: 8 con đường chân chính chấm dứt khổ đau

Bát Chánh Đạo hay Bát Chính đạo là con đường chân chính chia làm tám chi, một trong những giáo lý căn bản được nhắc đến trong Đạo Đế thuộc...

Ẩn